Khác biệt nhờ đánh vào phân khúc bảo hiểm "lạ"
So với những loại hình bảo hiểm nhà cửa, xe cộ, sức khỏe,..., thì những dịch vụ bảo hiểm cho ngành nghề, cho trách nhiệm của lãnh đạo cấp cao tưởng chừng như rất xa lạ và nhận nhiều luồng ý kiến khác nhau từ thị trường.
Nhưng đến nay, phân khúc này đã có dấu hiệu khởi sắc khi hầu hết các ngân hàng đã mua bảo trách nhiệm cán bộ quản lý (D&O) cho toàn bộ thành viên Ban điều hành và Hội đồng quản trị, các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam cũng đã có những quyết định tương tự.
Phân khúc bảo hiểm "hạng sang"
Bảo hiểm chuyên biệt sẽ không còn là phân khúc “khó xơi” khi các công ty bảo hiểm bắt đầu tiến sâu vào lĩnh vực này với những chuyên ngành khó hơn. Chẳng hạn như bảo hiểm công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông - một lĩnh vực đang phát triển với tốc độ “chóng mặt” tại các thị trường nhưng rủi ro cũng không kém.
Một ví dụ cụ thể là vụ bồi thường của một công ty phát triển phần mềm đậu xe đã ký được hai hợp đồng rất lớn với đối tác, sau đó họ bị đối thủ kiện vì xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Số tiền bồi thường ban đầu là 16 triệu USD và sau đó còn tiếp tục được giảm xuống tại tòa.
Tuy nhiên, đây vẫn là con số triệu USD. May mắn là trước đó công ty này đã được bảo hiểm cho việc xâm phạm sở hữu trí tuệ theo đơn bảo hiểm CNTT nên đơn đã trả ra 1,2 triệu USD, trong đó 1 triệu USD tiền bồi thường và 200.000 USD là chi phí bào chữa.
Một công ty công nghệ khác cũng từng dính kiện cáo tương tự khi công ty này phát triển phần mềm cho Công ty Telco và Telco bị kiện bởi một bên thứ ba vì xâm phạm bản quyền.
Telco đã đẩy vụ kiện sang công ty này vì trong hợp đồng, công ty đã đồng ý bồi thường cho Telco đối với tất cả các vụ kiện từ bên thứ ba. Nếu không có đơn bảo hiểm CNTT thì đơn đòi bồi thường số tiền 270.000 USD có thể làm công ty phát triển phần mềm trên phá sản.
Trên đây chỉ là 2 trong vô số các vụ cáo buộc liên quan đến CNTT xảy ra hàng ngày tại nhiều thị trường nước ngoài. Theo các chuyên gia trong ngành, kiện cáo về xâm phạm bản quyền công nghệ xảy ra nhiều ở các nước, chính vì thế bảo hiểm CNTT và truyền thông dù là sản phẩm chuyên biệt nhưng khá phổ biến.
Trong khi đó, tại Việt Nam cũng không loại trừ nguy cơ này. Mặc dù vậy, hiện nay bảo hiểm trách nhiệm cũng đã được triển khai nhưng các công ty bảo hiểm chỉ có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, còn với bảo hiểm trách nhiệm chuyên biệt cho ngành CNTT hiện thị trường mới chỉ có QBE là công ty tiên phong.
Doanh thu phí nhỏ nhưng tiềm năng lớn
Ông Anthony Cloney, Tổng giám đốc QBE Việt Nam cho biết, khi khảo sát để phát triển sản phẩm này, Công ty nhận thấy hầu hết các doanh nghiệp CNTT tại Việt Nam chưa nhận thức rõ về lợi ích của các sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt này, chỉ có các doanh nghiệp khi làm việc với các đối tác nước ngoài, bị yêu cầu mua thì mới thu xếp mua bảo hiểm CNTT và truyền thông. Và khi thu xếp mua theo yêu cầu của đối tác thì cũng chỉ thu xếp cho hợp đồng đó thôi.
“Các doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc quản lý rủi ro và xem bảo hiểm như một công cụ chuyển giao rủi ro, bảo vệ doanh nghiệp khi có sự cố xảy ra”, CEO của QBE Việt Nam nhìn nhận.
Với những sản phẩm chuyên biệt, việc giúp các công ty hiểu rõ nhu cầu bảo hiểm không bao giờ là dễ dàng, nhưng là một việc mà cac cong ty bao hiem cần phải làm.
“CNTT là ngành công nghiệp được Chính phủ xác định là ngành công nghiệp mũi nhọn để phát triển, với doanh thu hàng năm tăng khoảng 50%. Đây là thị trường hết sức tiềm năng để phát triển sản phẩm bảo hiểm CNTT.
Nếu nhận thức của ngành CNTT về sản phẩm bảo hiểm tốt hơn, khả năng doanh thu phí bảo hiểm thu được cho ngành bảo hiểm từ 1 triệu USD đến 2 triệu USD trong vòng 3 năm tới. Hơn nữa, việc triển khai sản phẩm này sẽ góp phần vào sự phát triển của ngành CNTT Việt Nam thêm vững mạnh và giúp thị trường Việt Nam có thêm các sản phẩm bảo hiểm phong phú”, ông Anthony Cloney nhìn nhận.
Nhận xét
Đăng nhận xét