Những tiêu chí đánh giá doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ
Theo báo cáo tài chính sau kiểm toán 2016 do các doanh nghiệp bảo hiểm việt nam phi nhân thọ vừa công bố, có những thay đổi tăng, giảm đáng kể về các chỉ tiêu tài chính so với năm trước. Theo các chuyên gia trong ngành, đã đến lúc người tham gia bảo hiểm cần xem xét các chỉ tiêu quan trọng để ra quyết định lựa chọn khi mua bảo hiểm phi nhân thọ.
Chỉ tiêu lợi nhuận
Số liệu mới nhất từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, năm 2016, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ ước đạt 36.372 tỷ đồng, tăng 14,04% so với năm trước. Số tiền thực bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ năm 2016 ước khoảng 12.571 tỷ đồng, tỷ lệ 34,56%, thấp hơn tỷ lệ 43,31% năm 2015.
Xét theo nghiệp vụ, bảo hiểm xe cơ giới chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu, đạt 11.754 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 32,3%, tiếp theo là bảo hiểm sức khỏe (9.472 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 26,0%), bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại (5.409 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 14,9%)…
Cụ thể, theo báo cáo tài chính năm 2016 do các công ty bảo hiểm phi nhân thọ chính thức công bố, Bảo hiểm Bảo Việt giữ vị trí số 1 thị trường cả về tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc lẫn lợi nhuận (6.565 tỷ đồng doanh thu và 301 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế). Điều này cho thấy, các doanh nghiệp lựa chọn hướng phát triển bền vững đã chứng minh được vị thế, bản lĩnh trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng.
Tuy nhiên, tổng doanh thu hay doanh thu phí bảo hiểm gốc chưa phải là chỉ tiêu đáng quan tâm nhất, thay vào đó, 3 chỉ tiêu quan trọng cần được xem xét kỹ lưỡng, theo các chuyên gia, là lợi nhuận, ROE và dự phòng nghiệp vụ.
“Đã qua rồi cái thời dành sự quan tâm lớn đến chỉ tiêu tổng doanh thu, doanh thu phí bảo hiểm gốc hay tốc độ tăng trưởng hai chỉ tiêu này. Hơn bao giờ hết, các nhà đầu tư, cổ đông đang chú trọng tới lợi nhuận, cổ tức được chia, hoạt động kinh doanh hiệu quả, bền vững. Tất nhiên, vừa tăng trưởng doanh thu lẫn lợi nhuận cũng như các chỉ tiêu quan trọng khác là trạng thái tối ưu. Tuy nhiên, 3 yếu tố chính mà người tham gia bảo hiểm cần quan tâm vẫn là lợi nhuận, ROE và dự phòng nghiệp vụ”, một chuyên gia bảo hiểm cho biết.
Như vậy, nếu xét về chỉ tiêu lợi nhuận, theo số liệu từ Hiệp hội bảo hiểm việt nam, ước tính năm 2016, có 25/30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lãi trước thuế. Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế chung cuộc của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ năm 2016 đạt 1.405 tỷ đồng, giảm 1% so với năm 2015. Tỷ suất lợi nhuận kế toán trước thuế/vốn chủ sở hữu đạt 6% (năm 2015 là 6,5%). Trong đó, có 25/30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và chi nhánh nước ngoài lãi trước thuế.
Xét về lợi nhuận trước thuế, Bảo hiểm Bảo Việt đứng đầu thị trường với 375 tỷ đồng. Vị trí thứ hai thuộc về Bảo Minh với 225 tỷ đồng, BIC đứng thứ ba với 140 tỷ đồng. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về PTI (129 tỷ đồng); PJICO (130 tỷ đồng); Bảo hiểm PVI (110 tỷ đồng). Trong năm 2016, điểm sáng về lợi nhuận chính là Bảo Minh với mức tăng mạnh 56% so với năm 2015.
Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, lý do khiến Công ty đứng đầu thị trường về lợi nhuận, tạo ra năng suất lao động cao là nhờ hoạt động đầu tư hiệu quả, kiểm soát tốt khai thác và bồi thường bảo hiểm, tiết kiệm chi phí hoạt động, không chạy đua giảm phí.
“Bên cạnh đó, một phần cũng nhờ việc mở rộng mạng lưới và đa dạng hóa các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đây là kết quả của việc không chạy theo doanh thu mà đặt hiệu quả lên hàng đầu được Bảo hiểm Bảo Việt chú trọng trong vài năm gần đây. Mục tiêu năm 2017, Công ty vẫn tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, nâng chất lượng quản trị, điều hành cũng như chất lượng dịch vụ”, lãnh đạo Bảo hiểm Bảo Việt cho biết.
Điều này cũng cho thấy, ưu thế đang thuộc về các doanh nghiệp lâu năm, có uy tín, mạng lưới rộng khắp trên thị trường trong bối cảnh vẫn còn những công ty đã thua lỗ nhiều năm. Thậm chí, có doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lỗ trước thuế lên tới cả vài trăm tỷ đồng.
ROE – chỉ tiêu quan trọng đo lường sức khỏe nhà bảo hiểm
Theo các chuyên gia trong ngành, bên cạnh lợi nhuận thì ROE (tỷ suất lợi nhuận tính trên vốn chủ sở hữu) được coi là chỉ tiêu quan trọng để đo lường sức khỏe tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm. Đã đến lúc, khách hàng cần xem xét kỹ lưỡng chỉ tiêu này để ra quyết định trước khi ký hợp đồng mua bảo hiểm.
Tổng hợp của Đầu tư Chứng khoán từ top các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, năm 2016, Bảo hiểm Bảo Việt có chỉ số ROE cao nhất thị trường, đạt tỷ lệ 14,2% (năm 2015 là 13,8%). PJICO đứng thứ 2 đạt tỷ lệ 12,5% (năm 2015 là 12,4%). Bảo Minh xếp thứ 3 khi ROE tăng từ 5,9% năm 2015 lên 9,1% năm 2016. Trong khi đó, cả PTI và Bảo hiểm PVI mặc dù tăng doanh thu, nhưng tỷ lệ ROE lại có xu hướng giảm mạnh.
Cụ thể, ROE của PTI giảm từ 9,3% năm 2015 xuống còn 6,1% năm 2016 và ROE của Bảo hiểm PVI giảm từ 11% năm 2015 xuống còn 3,3% năm 2016.
Với mức vốn chủ sở hữu được cố định 2 năm liên tiếp, ROE cao hay thấp được quyết định bởi lợi nhuận đạt được của năm tài chính đó. Việc sụt giảm tỷ lệ ROE tại PTI và PVI là do lợi nhuận tại 2 doanh nghiệp giảm mạnh (PTI giảm 47 tỷ đồng, PVI giảm 154 tỷ đồng), trong khi đó vẫn phải trích lập dự phòng nghiệp vụ do doanh thu tăng. Ở chiều ngược lại, việc tăng tỷ lệ ROE tại Bảo hiểm Bảo Việt, PJICO và Bảo Minh là nhờ tăng lợi nhuận, kiểm soát tốt chi phí, kết quả của chiến lược tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh những năm gần đây.
Dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm
Bên cạnh yếu tố lợi nhuận và ROE, dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm là một chỉ tiêu không thể bỏ qua đối với người giam gia bảo hiểm khi nghiên cứu về một nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm.
Số liệu của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cho thấy, năm 2016, ước tổng dự phòng nghiệp vụ của các công ty bảo hiểm tại việt nam mảng phi nhân thọ đạt hơn 20.654 tỷ đồng. Trong đó, Bảo hiểm Bảo Việt tiếp tục đứng đầu thị trường về dự phòng nghiệp vụ, ước đạt hơn 4.600 tỷ đồng, đứng thứ 2 là Bảo hiểm PVI (ước trên 2.086 tỷ đồng), thứ 3 là PTI (hơn 1.862 tỷ đồng), về thứ 4 là PJICO (ước hơn 1.787 tỷ đồng) và BIC đứng thứ 5 (hơn 1.508 tỷ đồng).
Bên cạnh các chỉ tiêu chính kể trên thì mạnh lưới rộng khắp, chất lượng dịch vụ cũng là những nhân tố cần được khách hàng tính đến, bởi nó có liên quan trực tiếp đến công tác hậu bán hàng là bồi thường bảo hiểm trong trường hợp không may xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Nhận xét
Đăng nhận xét